Chế định thương nhân ở Việt Nam



Thương nhân là chủ thể chính tham gia các quan hệ pháp luật thương mại Việt Nam.
Điều 6 Luật Thương mại 2005 quy định: " Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh." 

Theo khái niệm này, Thương nhân bao gồm:
+ Tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp
+ Cá nhân
Tuy nhiên không phải tổ chức thành lập hợp pháp hoặc cá nhân nào cũng được pháp luật Việt Nam công nhận là thương nhân. Để là thương nhân, các chủ thể nói trên phải mang các đặc điểm pháp lý sau:
Thương nhân phải thực hiện các hoạt động thương mại:
Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “ Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” Đây là đặc điểm luôn đi liền với thương nhân. Muốn xem một chủ thể có phải thương nhân hay không thì phải xem chủ thể đó có hoạt động thương mại hay không.


Thương nhân phải hoạt động độc lập:
Hoạt động độc lập có nghĩa là có khả năng bằng hành vi của mình, nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật và tự chịu trách nhiệm đối với các hành vi đó. Đặc điểm này để phân biệt thương nhân và các chủ thể khác tham gia vào quan hệ thương mại.
Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp không phải là thương nhân vì không có khả năng tham gia và chịu trách nhiệm độc lập trong các quan hệ pháp luật mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của thương nhân.
Thương nhân phải hoạt động thương mại thường xuyên, mang tính chất nghề nghiệp:
Điều này có nghĩa là thương nhân, khi tham gia hoạt động thương mại thì phải thực hiện hoạt động này thường xuyên, nguồn lợi kiếm được từ hoạt động thương mại là nguồn lợi chính, thu nhập chính cho bản thân, tổ chức mình.
Thương nhân phải đăng ký kinh doanh:
Tính chất hợp pháp của thương nhân được thể hiện qua hành vi đã hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến việc ra đời của chủ thể hoạt động thương mại. Đó là khi thực hiện xong thủ tục đăng ký kinh doanh và được cấp:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ( đối với doanh nghiệp ).
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ( đối với cá nhân, nhóm kinh doanh, gia đình có hoạt động thương mại thường xuyên ).
+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp HTX ( đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ).
Thương nhân phải có năng lực hành vi thương mại:
Năng lực hành vi thương mại là khả năng của cá nhân, pháp nhân bằng những hành vi của mình làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quan hệ pháp luật thương mại.
* Các quyền lợi chung của thương nhân
Điều 6 Luật thương mại 2005 quy định:
Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước."
Như vậy, thương nhân có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, tại các địa điểm và theo những cách thức pháp luật không cấm. Quy định nằng khẳng định quyền tự do kinh doanh của các chủ thể đã được Hiến Pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định. Các quyền tự do ấy được nhà nước khuyến khích và bảo hộ qua pháp luật thương mại Việt Nam.
Tuy nhiên, với các ngành nghề độc quyền nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng thì các thương nhân phải tuân theo.
Chế độ chịu trách nhiệm tài sản của thương nhân
Trách nhiệm hữu hạn:
Trách nhiệm tài sản hữu hạn là loại trách nhiệm được giới hạn bởi phạm vi vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Thương nhân có chế độ trách nhiệm hữu hạn là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi vốn, tài sản của thương nhân mình. Trách nhiệm hữu hạn đc đặt ra đối với thành viên của pháp nhân, họ chỉ phải chịu trách nhiệm trong khoản vốn mà họ đã góp chứ không phải sử dụng các nguồn tài sản khác của mình để thanh toán nợ cho pháp nhân.
Ví dụ: Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, thành viên góp vốn của Công ty hợp danh.
Ưu điểm: ít rủi ro trong kinh doanh.
Hạn chế: khả năng huy vốn thấp hơn do rủi ro cho đối tác cao hơn.
Trách nhiệm vô hạn:
Trách nhiệm vô hạn là trách nhiệm tài sản không được giới hạn bởi phạm vi vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Thương nhân có chế độ trách nhiệm tài sản này là cá nhân và tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán nợ. Ngay cả khi thương nhân đã được xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh thì họ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán này cho đến khi nào hết thì thôi.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ hộ kinh doanh cá thể.
Ưu điểm: dễ huy động vốn, tạo sự tin tưởng cho đối tác vì khả năng rủi ro của đối tác thấp hơn.
Hạn chế: Rủi ro cao cho chính chủ sở hữu công ty vì phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
Mời các bạn đọc thêm  bài viết “Chế định thương nhân ở Việt Nam”
Tác giả: Lê Thị Phương Thảo


Nhận xét

Bài đăng phổ biến