Các biện pháp giám sát, giáo dục và biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/34176

Người chưa thành niên là những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách, chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân. Pháp luật ở mỗi quốc gia quy định độ tuổi cụ thể của người chưa thành niên.



Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 có ghi: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp năm 1992, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.


Khái niệm người chưa thành niên khác với khái niệm trẻ em. Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”.
Tóm lại, khái niệm người chưa thành niên được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người và được cụ thể hoá bằng giới hạn độ tuổi trong các văn bản pháp luật của từng quốc gia. Theo đó, người ta quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người chưa thành niên.
Như vậy, có thể khái niệm: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.
Tham khảo thêm các văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến người chưa thành niên gồm: Công ước về Quyền trẻ em (United Nations Convention on the Rights of the Child) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989; Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về áp dụng pháp luật với người chưa thành niên (United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice /Beijing Rules) ngày 29-11-1985; Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (United Nations Guidelines for the Prevention of Juvenile delinquency/ Riyadh Guidelines) ngày 14-12-1990. Theo quan niệm quốc tế thì trẻ em (Child) là người dưới 18 tuổi, người chưa thành niên (Juvenile) là người từ 15 đến 18 tuổi, thanh niên (Youth) là người từ 15 đến 24 tuổi, người trẻ tuổi (Young persons) bao gồm trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên.
Ở Việt Nam, tuổi kết nạp Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là từ 10 đến 15 tuổi, tuổi kết nạp Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là từ 15 đến 30 tuổi. Trong tuổi Đoàn gọi là thanh niên, trong tuổi Đội là thiếu niên, dưới tuổi Đội gọi là nhi đồng. Ở mỗi lứa tuổi, người chưa thành niên được Nhà nước và xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục để phát triển tốt nhất về thể chất và nhân cách, trở thành người khỏe mạnh, có ích cho xã hội.
Khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra


Điều 12 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm
 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy, người chưa thành niên phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự có thể là:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Nguời từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Đối với người chưa thành niên, việc xác định một trường hợp cụ thể người có hành vi phạm tội có trở thành tội phạm hay không còn căn cứ vào nguyên tắc được quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự:
“1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.” …
Như vậy, tội phạm do người chưa thành niên gây ra chỉ xuất hiện (phát sinh) khi có đầy đủ 3 điều kiện sau đây:
Một là, có hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện.
Hai là, người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với loại tội phạm và lỗi gây ra tội phạm
Ba là, người đó thực tế phải chịu trách nhiệm hình sự sau khi các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc tính cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà không thể áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp khác để quản lý, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Những điều kiện trên cũng cho thấy tầm quan trọng trong việc xác định tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra bao giờ cũng gắn liền với một người chưa thành niên có hành vi phạm tội cụ thể nhưng không phải mọi trường hợp một người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội đều trở thành tội phạm.
Tội phạm do người chưa thành niên gây ra có những đặc điểm riêng so với tội phạm do người đã thành niên gây ra. Tội phạm do người đã thành niên gây ra là những hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ dấu hiệu tội phạm và đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngoài những dấu hiệu và yếu tố pháp lý còn được xác định bằng sự nhận định, cân nhắc cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Theo một số nghiên cứu khoa học, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được xem là “cần thiết” khi hội đủ 3 điều kiện sau đây
- Người chưa thành niên phạm tội có nhân thân xấu.
- Tội phạm đã được thực hiện có tính chất nghiêm trọng.
- Những biện pháp giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng không có hiệu quả để cải tạo người chưa thành niên phạm tội mà cần áp dụng hình phạt đối với họ.
Từ những phân tích trên có thể khái niệm: Tội phạm do người chưa thành niên gây ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bởi người dưới 18 tuổi và người đó phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi và lỗi của mình theo phán xét của cơ quan tiến hành tố tụng...
Khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra không đồng nhất với khái niệm người chưa thành niên phạm tội nhưng hai khái niệm đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khái niệm người chưa thành niên phạm tội là khái niệm dùng để chỉ một dạng chủ thể đặc biệt (người chưa thành niên) thực hiện hành vi phạm tội, còn khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra là khái niệm dùng để chỉ tội phạm đã được thực hiện bởi một dạng chủ thể đặc biệt (người chưa thành niên).

Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn cùng chủ đề “Các biện pháp giám sát, giáo dục và biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” của tác giả Trần Hồng Nhung tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/34176






Nhận xét

Bài đăng phổ biến